Điện mặt trời áp mái nhà đang là xu hướng phát triển năng lượng bền vững hiện nay và đã được Chính phủ khuyến khích sử dụng. Bên cạnh đó, điện mặt trời áp mái còn giúp hộ gia đình, doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện, tiết kiệm hiệu quả.
Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (Quyết định 13) về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Theo đó, giá mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời mái nhà là 1.943 đồng/kwh được áp dụng cho tất cả các dự án đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020 và có hiệu lực trong vòng 20 năm.
Điện mặt trời áp mái nhà là mô hình sản xuất điện từ các tấm pin năng lượng, hấp thụ ánh sáng mặt trời tạo ra nguồn điện. Thực tế cho thấy, việc phát triển điện mặt trời áp mái đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sử dụng. Trong đó, sản lượng điện sản xuất hằng ngày dùng không hết được ngành điện mua lại, tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể cho người sử dụng. Cùng với đó, phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời còn giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà. Ngoài ra, phát triển điện mặt trời áp mái góp phần giảm áp lực lên phụ tải lưới điện, tiết kiệm chi phí phát triển đường dây truyền tải…
Bên cạnh ưu điểm về hiệu quả kinh tế thì điện năng lượng mặt trời là sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và đang được khuyến khích sử dụng. Được biết, hệ thống điện năng lượng mặt trời gồm các tấm pin năng lượng mặt trời, bộ inverter nối lưới và một điện kế 2 chiều. Điện kế 2 chiều được lắp đặt để đo đếm điện năng tiêu thụ ở cả 2 chiều: Chiều nhận từ lưới điện của điện lực và chiều phát từ điện mặt trời lên lưới điện của điện lực. Người dân khi sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời sẽ không mất chi phí vận hành; bên cạnh đó, chi phí bảo trì thấp, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi.